Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Phân tích điều kiện lao động

1) Một số khái niệm cơ bản

a - Điều kiện lao động:

   - Điều kiện lao động là tổng thể các yếu tố về tự nhiên, xã hội, kỹ thuật, kinh tế, tổ chức thể hiện qua quy trình công nghệ, công cụ lao động, đối tượng lao động, môi trường lao động, con người lao động và sự tác động qua lại giữa chúng, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của con người trong quá trình sản xuất.
   - Điều kiện lao động có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng con người. Những công cụ và phương tiện có tiện nghi, thuận lợi hay ngược lại gây khó khăn nguy hiểm cho người lao động, đối tượng lao động. Đối với quá trình công nghệ, trình độ cao hay thấp, thô sơ, lạc hậu hay hiện đại đều có tác động rất lớn đến người lao động. Môi trường lao động đa dạng, có nhiều yếu tố tiện nghi, thuận lợi hay ngược lại rất khắc nghiệt, độc hại, đều tác động rất lớn đến sức khỏe người lao động.

b - Các yếu tố nguy hiểm và có hại:

   - Yếu tố nguy hiểm có hại là các yếu tố vật chất có ảnh hưởng xấu, nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong điều kiện lao động. Cụ thể là:
        + Các yếu tố vật lý như nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn, rung động, các bức xạ có hại, bụi, …
        + Các yếu tố hóa học như hóa chất độc, các loại hơi, khí, bụi độc, các chất phóng xạ, …
        + Các yếu tố sinh vật, vi sinh vật như các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng, côn trùng, rắn, …
        + Các yếu tố bất lợi về tư thế lao động, không tiện nghi do không gian chổ làm việc, nhà xưởng chật hẹp, mất vệ sinh, …
        + Các yếu tố tâm lý không thuận lợi, ...

c - Tai nạn lao động:

   - Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong qúa trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ lao động. Nhiễm độc đột ngột cũng là tai nạn lao động.
   - Tai nạn lao động được phân ra: Chấn thương, nhiễm độc nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp
      * Chấn thương: là tai nạn mà kết quả gây nên những vết thương hay huỷ hoại một phần cơ thể người lao động, làm tổn thương tạm thời hay mất khả năng lao động vĩnh viễn hay thậm chí gây tử vong. Chấn thương có tác dụng đột ngột.
      * Bệnh nghề nghiệp: là bệnh phát sinh do tác động của điều kiện lao động có hại, bất lợi (tiếng ồn, rung động, ...) đối với người lao động. Bênh nghề nghiệp làm suy yếu dần dần sức khoẻ hay làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt của người lao động. Bệnh nghề nghiệp làm suy yếu sức khoẻ người lao động một cách dần dần và lâu dài.
      * Nhiễm độc nghề nghiệp: là sự huỷ hoại sức khoẻ do tác dụng của các chất độc xâm nhập vào cơ thể người lao động trong điều kiện SX.

2) Phân tích điều kiện lao động - các nguyên nhân gây ra tai nạn.

   - Mặc dù chưa có phương pháp chung nhất phân tích chính xác nguyên nhân tai nạn cho các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất nhưng có thể phân tích các nguyên nhân theo các nhóm sau:

a - Nguyên nhân kỹ thuật:

   - Thao tác kỹ thuật không đúng, không thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về kỹ thuật an toàn, sử dụng máy móc không đúng đắn.
   - Thiết bị máy móc, dụng cụ hỏng.
   - Chổ làm việc và đi lại chật chội.
   - Các hệ thống che chắn không tốt, thiếu hệ thống tín hiệu, thiếu cơ cấu an toàn hoặc cơ cấu an toàn bị hỏng
   - Dụng cụ cá nhân hư hỏng hoặc không thích hợp, ...

b - Nguyên nhân tổ chức:

   - Thiếu hướng dẫn về công việc được giao, hướng dẫn và theo dõi thực hiện các quy tắc không được thấu triệt...
   - Sử dụng công nhân không đúng nghề và trình độ nghiệp vụ.
   - Thiếu và giám sát kỹ thuật không đầy đủ, làm các công việc không đúng quy tắc an toàn.
   - Vi phạm chế độ lao động.

c - Nguyên nhân vệ sinh môi trường:

   - Môi trường không khí bị ô nhiễm hơi, khí độc, có tiếng ồn và rung động lớn.
   - Chiếu sáng chổ làm việc không đầy đủ hoặc quá chói mắt.
   - Không thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu về vệ sinh cá nhân...
   - Điều kiện vi khí hậu không tiện nghi.

3) Khai báo điều tra và thống kê tai nạn lao động

a - Khai báo điều tra:

   - Khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức việc điều tra, lập biên bản, có sự tham gia của BCH CĐ cơ sở. Biên bản phải ghi đầy đủ diễn biến của vụ tai nạn, thương tích nạn nhân, mức độ thiệt hại, nguyên nhân xảy ra, quy trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động. Biên bản có chữ ký của người lao động và đại diện BCH CĐ cơ sở.
   - Tất cả các vụ tai nạn lao động, các trường hợp bị bênh nghề nghiệp đều phải được khai báo, thống kê và báo cáo theo quy định của Bộ LĐ-TB và XH, Bộ Y tế. Công tác khai báo, điều tra phải nắm vững, kịp thời, đảm bảo tính khách quan, cụ thể, chính xác.
   - Khi tai nạn lao động nhẹ, công nhân nghỉ việc dưới 3 ngày:
        + Quản đốc phân xưởng, đội trưởng đội sản xuất phải ghi sổ theo dõi tai nạn lao động của đơn vị mình, báo cáo cho cán bộ bảo hộ lao động của đơn vị để ghi vào sổ theo dõi tai nạn.
        + Cùng với công đoàn phân xưởng, đội sản xuất tổ chức ngay việc kiểm điểm trong đơn vị mình để tìm nguyên nhân tai nạn, kịp thời có biện pháp phòng ngừa cần thiết.
   - Khi tai nạn lao động nhẹ, công nhân nghỉ việc 3 ngày trở lên:
       + Quản đốc phân xưởng, đội trưởng đội sản xuất báo ngay sự việc cho giám đốc đơn vị biết, ghi sổ theo dõi đồng thời báo cáo cho cán bộ bảo hộ lao động biết.
       + Trong 24 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, cùng với công đoàn phân xưởng, đội sản xuất lập biên bản điều tra tai nạn gửi cho giám đốc đơn vị phê duyệt.
   - Khi tai nạn lao động nặng, công nhân nghỉ việc 14 ngày trở lên:
        + Quản đốc phân xưởng báo ngay sự việc cho giám đốc đơn vị biết. Giám đốc đơn vị có trách nhiệm báo cáo ngay cho cơ quan lao động và công đoàn địa phương biết.
   - Trong 24 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, giám đốc đơn vị cùng với công đoàn cơ sở tổ chức điều tra trường hợp xảy ra tai nạn lao động, nguyên nhân tai nạn và xác định trách nhiệm gây tai nạn.
   - Sau khi điều tra, giám đốc đơn vị phải lập biên bản điều tra: nêu rõ hoàn cảnh và trường hợp xảy ra, nguyên nhân tai nạn, kết luận về trách nhiệm để xảy ra tai nạn và đề nghị xử lý, đề ra các biện pháp ngăn ngừa tương tự.
   - Tai nạn chết người hoặc tai nạn nghiêm trọng (làm bị thương nhiều người cùng 1 lúc, trong đó có người bị thương nặng):
        + Quản đốc phải báo ngay sự việc cho cơ quan lao động, công đoàn, y tế địa phương và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp biết. Đối với tai nạn chết người phải báo cho công an, Viện Kiểm sát nhân dân địa phương, Bộ LĐ-TB và XH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
        + Các cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng tới nơi xảy ra tai nạn. Việc tổ chức điều tra nguyên nhân và xác định trách nhiệm để xảy ra tai nạn phải được tiến hành trong vòng 48 giờ và do tiểu ban điều tra thực hiện.
        + Căn cứ vào kết quả điều tra, tiểu ban điều tra phải lập biên bản nêu rõ nêu rõ hoàn cảnh và trường hợp xảy ra, nguyên nhân tai nạn, kết luận về trách nhiệm để xảy ra tai nạn và đề nghị xử lý, đề ra các biện pháp ngăn ngừa tai nạn tái diễn.
        + Biên bản điều tra tai nạn phải được gửi cho cơ quan lao động, y tế, công đoàn địa phương, cơ quan chủ quản, Bộ LĐ-TB và XH, Tổng Liên đoàn lao động VN.

b - Phương pháp phân tích nguyên nhân

   - Việc nghiên cứu, phân tích nguyên nhân nhằm tìm ra được những quy luật phát sinh nhất định, cho phép thấy được những nguy cơ tai nạn. Từ đó đề ra biện pháp phòng ngừa và loại trừ chúng. Thông thường có các biện pháp sau đây:
     * Phương pháp phân tích thống kê:
   - Dựa vào số liệu tai nạn lao động, tiến hành thống kê theo nghề nghiệp, theo công việc, tuổi đời, tuổi nghề, giới tính, thời điểm trong ca, tháng và năm. Từ đó thấy rõ mật độ của thông số tai nạn lao động để có kế hoạch tập trung chỉ đạo, nghiên cứu các biện pháp thích hợp để phòng ngừa.
   - Sử dụng phương pháp này cần phải có thời gian thu thập số liệu và biện pháp đề ra chỉ mang ý nghĩa chung chứ không đi sâu phân tích nguyên nhân cụ thể của mỗi vụ tai nạn.
     * Phương pháp địa hình:
   - Dùng dấu hiệu có tính chất quy ước đánh dấu ở những nơi hay xảy ra tai nạn, từ đó phát hiện được các tai nạn do tính chất địa hình.
     * Phương pháp chuyên khảo:
   - Nghiên cứu các nguyên nhân thuộc về tổ chức và kỹ thuật theo các số liệu thống kê.
   - Phân tích sự phụ thuộc của nguyên nhân đó với các phương pháp hoàn thành các quá trình thi công và các biện pháp an toàn đã thực hiện.
   - Nêu ra các kết luận trên cơ sở phân tích.
 (Nhiều nguồn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét