Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

MỘT SỐ ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG SẢN XUẤT ĐỐI VỚI SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG

Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, cần tìm hiểu, phân tích tác động của các nhân tố gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người lao động để từ đó có các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục, giảm thiểu những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe người lao động.
Tác động của nhiệt độ nóng bức:
Trong điều kiện làm việc nóng bức, công nhân nhanh chóng mệt mỏi về thể lực và thần kinh tâm lý, biến đổi một loạt chức năng sinh lý cơ bản, giảm sút khả năng lao động. Nếu tác động đó kéo dài gây suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật. Nhất là các bệnh đường hô hấp, tai mũi họng , bệnh của hệ thống tiêu hóa, thần kinh, tim mạch, tiết niệu.
 Ví dụ: Với dây chuyền sản xuất bao gồm nhiều máy móc thiết bị của ngành sản xuất giầy, quá trình vận hành máy móc  sản sinh một lượng nhiệt ra môi trường. Điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, phối hợp với các yếu tố độc hại khác như hơi khí độc xylen,benzen, toluen, hexane và bụi là tác nhân gây cản trở hô hấp mạnh và làm tăng ảnh hưởng xấu tới người lao động.
Tác động của tiếng ồn:
Tiếng ồn gây nên những biến đổi khác nhau đối với chức năng của hệ tim mạch như cảm giác khó chịu vùng tim (đánh trống ngực), tiếng thổi cơ năng của tim, loạn nhịp xoang, tần số mạch, nguy cơ gây bệnh mạch vành và huyết áp biến động nhanh.
Tiếng ồn làm suy giảm khả năng thính giác. Ở những người tiếp xúc với tiếng ồn lớn sau ngày làm việc có cảm giác ù tai, đau dai dẳng trong tai, tai như có tiếng ve, tiếng muỗi kêu, hay bị chóng mặt, vã mồ hôi, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, trí nhớ giảm, năng suất lao động giảm từ 20 – 40%, tai nạn dễ phát sinh . Tác hại của tiếng ồn càng tăng khi lao động trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao. Đối với những nghề thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn và có hệ thống thì sẽ dẫn đến điếc nghề nghiệp.
Tác động môi trường hơi khí độc
Hơi khí độc trong công nghiệp là một chất độc công nghiệp có thể là nguyên liệu để sản xuất, thành phẩm, bán thành phẩm hoặc chất thải bỏ trong quá trình sản xuất.
Nếu người công nhân làm việc trong môi trường có nồng độ hơi khí độc vượt quá tiêu chuẩn cho phép, người công nhân hít phải gây cảm giác khó chịu, có thể mắc các bệnh gây tổn thương đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Thời gian tiếp xúc càng lâu thì các triệu chứng này tăng lên rõ rệt .
Các thể bệnh ngoài da có tỉ lệ mắc cao là bệnh mày đay, sẩn ngứa dị ứng (4,6 – 5,6%), bệnh á sừng (4,6 – 9,9%), viêm quanh móng (2,6 –5,4%), khô da (2,7 – 3,6%), viêm da tiếp xúc (1,6 – 3,3%) và sạm da (5,2 –7,4%)
Tác động của bụi:
Trong môi trường sản xuất giầy, một số công đoạn thường tạo ra lượng bụi công nghiệp. Bụi tác động lên hệ thống hô hấp gây bệnh bụi phổi (tổn thương xơ hóa phổi), bệnh viêm phế quản phổi tắc nghẽn, đã dẫn đến những rối loạn chức năng tim mạch như tăng áp lực động mạch phổi, biến đổi huyết áp, nhịp tim,trục điện tim… .
Tác động của stress:
Các stress trong môi trường lao động như tiếng ồn, hơi khí độc, thiếu ánh sáng… Ảnh hưởng rất nhiều tới gánh nặng tâm thần, là nguyên nhân góp phần làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành .
Tác động của stress ở nơi làm việc lên hệ thống hô hấp là thông qua những thay đổi chức năng của hệ thần kinh giao cảm gây giãn tiểu phế quản hoặc phó giao cảm gây co tiểu phế quản, làm thay đổi chức năng thông khí phổi.
Tác động của ecgonomi vị trí lao động:
* Đối với lao động đứng
- Đòi hỏi gắng sức cơ tĩnh để duy trì các khớp ở chân, đầu gối và đùi khi đứng
- Diện tích chân đế nhỏ hơn (là diện tích 2 bàn chân) so với tư thế ngồi (là diện tích của chân ghế) nên tư thế đứng kém bền vững hơn.
* Tư thế lao động ngồi là tư thế lao động chính phổ biến và thuận lợi hơn so với tư thế đứng, tuy nhiên cần phải có ghế ngồi tốt phù hợp với công việc và người lao động. Ghế ngồi tồi, thiết kế không phù hợp sẽ gây nên các vấn đề cho cột sống, cho hệ tuần hoàn, và các vấn đề về hô hấp.
Hướng khắc phục:
Từ những phân tích về tác động ảnh hưởng sức khỏe của người lao động như đã nêu trên, cần đưa ra các biện pháp để hạn chế tối thiểu các nhân tố nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường lao động như:
- Đảm bảo ánh sáng, tăng cường thiết bị thông gió, tăng thiết bị làm mát môi trường làm việc.
- Thiết kế sắp xếp hợp lý máy móc thiết bị phù hợp điều kiện sản xuất và đặc điểm nhân trắc học của công nhân Việt Nam.
- Hạn chế sắp xếp những máy móc tạo ra tiếng ồn, rung , máy thải ra khí nóng, khí độc ...vv tại khu vực sản xuất tập trung nhiều công nhân.
- Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động phù hợp công đoạn làm việc của công nhân. Nhắc nhở công nhân tuân thủ quy định về bảo hộ an toàn lao động.
- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động để kịp thời ngăn chặn diễn biến xấu về sức khỏe người lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét